3.1.06

HÒA BÌNH 6 ! CHÀO MỪNG & ƯỚC VỌNG

TRẦN XUÂN AN

Ý NGHĨA VĂN HÓA, GỒM CẢ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ,
TRONG ĐỀ XUẤT ĐỔI MỚI VỀ DƯƠNG LỊCH (LỊCH CHÚA)


1

Ngày tháng cứ tuần tự trôi qua. Không có gì buồn tẻ cho bằng khi thử lắng nghe tiếng tích tắc đều đặn, không đổi khác của đồng hồ. Mỗi người, mỗi gia đình chỉ thật sự lưu tâm đến những phút giây, những ngày tháng đáng nhớ hoặc không thể quên, không nên quên, không dám quên. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc với những dấu mốc lịch sử hào hùng, bi thảm riêng, với những lễ tiết theo phong tục riêng cũng vậy.
... Ngày đầu tiên bước sang năm thứ 6 công nguyên mới, công nguyên của ước vọng hòa bình, làm sao không ngẫm nghĩ về tiếng thời gian; và đáng suy tư nhất vẫn là những tờ lịch ghi ngày tháng! ...
Giờ khắc, phút giây đã có đồng hồ đo đếm. Từ các loại đồng hồ cổ xưa được làm bằng bình đựng nước hoặc cát, và báo giờ, báo canh bằng tiếng trống, tiếng chuông ở thành thị, làng quê, hoặc bằng thẻ tre, thẻ gỗ, thẻ ngà ở các công sở, dần dần loài người đã có đồng hồ lên dây cót, dây thiều, rồi đồng hồ tự động dạ quang, cho đến đồng hồ điện tử có đổ chuông…
Lịch cũng vậy. Trong lịch sử đã có nhiều loại lịch, tùy theo khu vực văn hóa, địa lí nhân văn.
Ở nước ta, riêng về lịch, ít ra cũng đã có đến bốn loại lịch thành văn. Đó là lịch của người Việt Kinh, lịch Việt Thái (người Thái Việt Nam), lịch Việt Chăm (người Chăm Việt Nam) và lịch của các cố đạo Thiên Chúa giáo thực dân. Hiện nay, phổ biến trong toàn xã hội vẫn là hai loại lịch:
- Âm lịch, còn gọi là lịch mặt trăng. Mặc dù từ “nguyệt lịch” ít được dùng, nhưng trăng (nguyệt) là biểu tượng phổ biến, đặc trưng nhất của ý niệm âm (trong khái niệm âm – dương). Nguyệt lịch tính theo sự vận hành của mặt trăng, lấy đêm rằm, đêm trăng tròn nhất, làm chuẩn, phối hợp với việc lấy thời tiết, chu kì rụng lá, đâm chồi nẩy lộc của cây cỏ, lấy thời vụ mùa màng làm căn cứ. Có thể xem hình dáng trăng, giờ trăng mọc để biết ngày tháng; có thể nhìn cây cỏ để biết từng mùa trong bốn mùa mỗi năm.
- Dương lịch, còn gọi là Tây lịch, lịch mặt trời (dương: mặt trời). Chữ “nhật” trong từ ghép “nhật lịch” lại mang một ý nghĩa khác: ngày. Nhật lịch là sổ ghi chép sự việc xảy ra từng ngày. Dương lịch là lịch tính theo sự vận hành của mặt trời. Hạn chế của loại lịch này thoạt nhìn là rất rõ, nếu so với lịch mặt trăng. Bởi về đại thể, hầu như mặt trời ngày nào cũng như ngày nào, luôn luôn là một khối lửa tròn vo (1), không khuyết rồi tròn, tròn rồi lại khuyết như mặt trăng, vốn theo một chu kì khá nhất định, do đó, với lịch mặt trời, rất khó biết hôm nào là đầu tháng, hôm nào là giữa tháng. Và xét về phương diện mùa màng, thời tiết ở nước ta và các nước trong khu vực, rõ ràng là sái trật, nếu tính theo Tây lịch. Tất nhiên lịch mặt trời có một ưu điểm là dễ tính toán hơn, vì không có tháng nhuận. Lịch mặt trăng, có năm dôi lên một tháng, thành 13 tháng. Lịch mặt trời luôn luôn là 12 tháng.
Nói cho thật chính xác và đầy đủ, sự phân tích từng loại lịch và so sánh giữa hai loại lịch chủ yếu được người Việt sử dụng phổ biến hiện nay, phải cần đến một quá trình nghiên cứu thấu đáo; và để trình bày cho thật cặn kẽ, khoa học, dĩ nhiên không đơn giản như vậy. Nhưng về đại thể, những dòng ngắn gọn như vậy là không thể sai lầm.
Bài báo nhỏ viết ngay trong ngày đầu năm dương lịch 2006 này chỉ đưa ra một nhận định sơ khởi, nhằm đề xuất một ý kiến nhỏ: Nên chăng suy ngẫm thêm đôi chút về loại lịch phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có nước ta.

2

Thực sự những dãy số chỉ năm như 2006 và hai cụm từ: “trước công nguyên Tây lịch (công nguyên Jésus Christ)” (2) và “sau công nguyên Tây lịch (như trên)” là sản phẩm của quá trình thực dân, bành trướng và đầy tính chất áp đặt của Thiên Chúa giáo trong sự liên minh ma quỷ với chủ nghĩa thực dân của các nước Phương Tây, trên toàn thế giới.
Nhưng ở Việt Nam, dương lịch hay Tây lịch còn có một dấu vết “tả đạo” chưa được tẩy rửa, khi so sánh với loại lịch ấy ngay tại các nước thực dân vốn chi phối và áp đặt ảnh hưởng nặng nhất vào Việt Nam.
Mỗi tháng dương lịch được chia làm 4 tuần; tuần gọi là tuần lễ. Mỗi tuần lễ có 7 ngày. Ngày đầu tuần, theo đầu óc Thiên Chúa giáo, chính là ngày “Chúa nhật” (3). Đó là ngày con chiên phải “kiêng việc xác” (không lao động), phải đi đến giáo đường để dự lễ mi-sa, và hầu hết đều phải chịu phép bí tích rước lễ (“ăn” bánh thánh). Ngày kế tiếp là thứ hai, và tuần tự cho đến ngày cuối tuần là thứ bảy.
Người Việt Nam vốn rất ác cảm với Thiên Chúa giáo. Đó là một phản ứng tâm lí chính đáng. (Và không phải vì ác cảm mà thiếu khách quan). Bất kì nhà nghiên cứu sử học nào, cho dù là người ngoại quốc hay người Việt, với các chính kiến khác nhau, cũng đều thừa nhận sự thật đó với tính chính đáng (lẫn tính khách quan) của nó. Chính sự ác cảm tất nhiên ấy, dưới chế độ thực dân và “tả đạo” thống trị, đại đa số người Việt chân chính đã gọi trại đi, hay chính xác hơn, là đã dùng một âm khác của chữ “Chúa”, để biến ngày “Chúa nhật” thành “chủ nhật” . “Chúa” hay “chủ”, nếu viết theo chữ Hán, thì cùng một chữ. Tuy nhiên, chữ “chủ” thường được dùng với một nét nghĩa mà khi đọc với âm “chúa” thì nét nghĩa ấy không còn nữa. Chẳng hạn, không ai nói là Chủ Jésus cả, mà chỉ nói là Chúa Jésus, mặc dù ai cũng biết: Chủ tể = chúa tể (chúa có nghĩa là vua chúa).
Chủ là chúa, chúa là chủ! Nhưng, trong các từ ghép “chủ kiến”, “chủ thể”, “chủ quan”, lại có nghĩa là “tự mình” hoặc phản nghĩa với “khách”, như “khách thể”, “khách quan”; trong từ “chủ đạo”, “chủ” vẫn ẩn nét nghĩa căn bản là “làm chủ”…Trong cụm từ “con bài chủ”, “chủ” có nghĩa là “chính”, phản nghĩa với “phụ”; trong tiếng Hán Việt thông dụng, chẳng hạn ở câu, “Chúng chỉ chủ vào việc vơ vét tiền bạc, tài nguyên”, “chủ” có nghĩa là “cốt” (cốt yếu, chủ yếu)…
Như vậy, “chủ nhật” có thể hiểu là ngày tự mình hoặc là ngày chính.
Phải chăng như thế là khiên cưỡng, cố “ép” nghĩa, do hoàn cảnh bị thực dân, tả đạo và tay sai thống trị?
Nhưng dẫu sao, không nói, hoặc không đọc, và không viết bằng chữ quốc ngữ là “Chúa nhật”, mà thay bằng “chủ nhật” , thì thực dân, “tả đạo” cũng không bắt bẻ được.
Sự khiên cưỡng, “ép” nghĩa nào cũng oái oăm, có phần trái khoáy. Nếu theo số thứ tự mà tính, đúng là “chủ nhật” là ngày chính (ngày thứ nhất), vì ngày kế tiếp là ngày thứ hai. Tuy nhiên, ai cũng hiểu và đinh ninh thừa nhận đó là ngày cuối tuần (weekend)!
Rõ ràng là có một tình trạng “không ổn”, một “bệnh trạng kì quặc” trong ý thức và nếp sống!
Đành rằng, xem ngày được nghỉ ở nhà là ngày tự mình làm chủ, ngày chính trong một tuần, là một thái độ văn hóa và đồng thời là một thái độ chính trị dưới chế độ áp bức. Sống dưới chế độ áp bức bởi thực dân, tả đạo và phong kiến tay sai, nhân dân mới xem ngày đi ra với cơ quan công quyền, trường học, nói chung là ra với xã hội là những ngày thứ yếu, “kiếm cơm”, “phải đạo”, còn ngày được nghỉ ngơi, ở nhà là ngày chủ yếu, quan trọng nhất.
Lạ một điều là cả ở Miền Bắc, từ “chủ nhật” vẫn nghiễm nhiên tồn tại cùng với tên gọi các ngày trong một tuần, y hệt như dưới thời thực dân, tả đạo thống trị! Đây là một tàn dư chưa thanh toán hết hay là một sự vong thân, tha hóa chưa tự phản tỉnh…
Không nghi ngờ gì nữa, dương lịch, với tên gọi các ngày trong tuần như thế chỉ là “sản phẩm” áp đặt của các cố đạo Thiên Chúa giáo thực dân và bởi thực dân viễn chinh “tả đạo”, đã bị biến nghĩa, “khúc xạ” theo cách của đại đa số nhân dân của dân tộc ta dưới ách nô lệ. Thứ tàn dư ấy ở Việt Nam lại đặc biệt nặng nề, nếu so sánh với Pháp và Anh, Mỹ.
Pháp, Anh, trước khi trở thành lực lượng xâm lược Á – Phi – Mỹ la-tinh, đều là nạn nhân bị xâm thực của đế quốc La Mã – Thiên Chúa giáo thời cổ – trung đại (Anh giáo, Tin Lành cũng chỉ là hai dạng biến thể của Thiên Chúa giáo La Mã, chống lại Vatican trong “vòng kim cô Kinh Thánh” của nó). Mỹ là thuộc địa của Anh thời cận đại. Nhưng trong tiếng Anh cổ – trung đại và tiếng Anh ngày nay (kể từ ngày có dương lịch theo Grégori (4)), kể cả tiếng Mỹ hiện đại, vẫn gọi ngày thứ nhất trong tuần là “sunday” (ngày mặt trời) (5), chứ không gọi là “God-day” (God’s day, Lord’s day). Trong tiếng Pháp, là “dimanche” (6), không có từ tố nào là “chúa” (dieu) cả. Nga cũng trong trường hợp tương tự, mặc dù Chính thống giáo chi phối ảnh hưởng trước 1917 rất sâu rộng (Chính thống giáo là một nhánh Thiên Chúa giáo La Mã, chống lại Vatican).
Như vậy, ngày thứ nhất trong tuần của Pháp, Anh (gồm cả Mỹ)… cũng không phải là ngày của Chúa, vì Chúa, với Chúa.
Với Việt Nam, chỉ có thể kết luận như trên: Vai trò thực dân cố đạo Thiên Chúa giáo và tướng tá thực dân Pháp, vốn là tín đồ Thiên Chúa giáo, đã áp đặt “thần quyền Thiên Chúa giáo” vào thuộc địa và bán thuộc địa; sự áp đặt ấy là rất nặng nề.
Dẫu sao thực trạng về dương lịch, chính xác là lịch Grégory, trên thế giới, kể cả các nước Hồi giáo, và ở nước ta, là như thế.
Do đó, chúng ta không thể không suy nghĩ và chọn lọc.

3

Nên chăng, bên cạnh việc phải duy trì, cải tiến âm lịch (nguyệt lịch) vốn có (lịch ta khác với lịch Trung Quốc), trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo quy luật thời tiết đặc thù của nước ta, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng dương lịch trong hệ thống hành chính, trường học, y tế và trên tất cả mọi lĩnh vực, kể cả trên từng lá thư, trang nhật kí riêng tư nhất, như bao năm nay?
Thật là vô lí và không thể nói là sáng suốt, thông minh và thật sự tự do, độc lập được, nếu không gột rửa dấu vết thực dân “tả đạo”.
Cụ thể hơn, nên chăng mạnh dạn và dứt khoát đổi mới:
Thay vì tiếp tục “công nguyên Jésus Christ”, ta nên gọi năm 2000 là khởi đầu của công nguyên Hòa Bình: 2001 là năm thứ nhất công nguyên Hòa Bình, nói gọn là Hòa Bình 1, viết tắt là HB1; và cứ tuần tự như thế: HB1, HB2, HB3 ….
Sở dĩ chúng ta còn phải dính dấp vào con số của công nguyên Tây lịch là bởi không thể đơn phương quy định lịch pháp trong giao dịch quốc tế được. Muốn thay cũ đổi mới triệt để, cần phải có vai trò Liên Hiệp quốc, để có thể nhất loạt đổi mới trên toàn thế giới.
Đó là về năm.
Về tháng, cũng không có gì phải thay đổi. Một năm mười hai tháng, tên của từng tháng chỉ là số thứ tự từ 1 đến 12 (thường là gọi tháng 1 là tháng giêng, tháng 12 là tháng chạp như lịch ta). Mặc dù tên gọi tháng của từng nước là khác nhau (tương tự như tên gọi thứ trong tuần), nhưng đều thống nhất ở 12 số thứ tự từ 1 đến 12.
Chỉ còn một “vấn nạn” về tên gọi 7 ngày trong mỗi tuần. Gọi là “vấn nạn”, xem ra to tát quá. Thực chất đây chỉ là một sự thay đổi không “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, chỉ riêng trong phạm vi nước ta mà thôi.
Trên thế giới, khi giao dịch quốc tế, hầu như không nước nào quan tâm đến tên gọi thứ của ngày trong mỗi tuần vì tên gọi ấy mỗi nước mỗi khác (dimanche… trong tiếng Pháp; sunday… trong tiếng Anh…).
Do đó, ta nên mạnh dạn và dứt khoát gột rửa tàn dư thực dân, tả đạo, và gột rửa tính chất tiêu cực cả trong thái độ văn hóa, gồm văn hóa chính trị của chính chúng ta, biểu hiện ở tên gọi 7 ngày trong tuần:
Thứ hai => thứ nhất (monday)
Thứ ba => thứ hai (tuesday)
Thứ tư => thứ ba (wednesday)
Thứ năm => thứ tư (thursday)
Thứ sáu => thứ năm (friday)
Thứ bảy => thứ sáu (saturday)
Chủ nhật => thứ bảy (sunday / weekend)
Như vậy, ngày hôm nay, “Chủ nhật, ngày 01 tháng 01 năm 2006” , sẽ được viết là “Thứ bảy, ngày 01 tháng 01 năm HB6” . HB6 là năm thứ sáu công nguyên Hòa Bình (công nguyên Jésus Christ xem như đã thật sự chấm dứt cách đây 5 năm, vào cuối năm 2000). Tuy vậy, một đôi khi, nếu cần thiết, sau HB6, viết thêm: (2006), để giải thích, cho đến khi toàn xã hội đã quen thuộc.
Đó là sự đổi mới tuy nhỏ nhưng trên một bình diện rộng khắp toàn xã hội Việt Nam và tận các vùng có Việt kiều trên toàn thế giới. Hơn nữa, sự đổi mới về lịch pháp ở hai khía cạnh đó, còn có một ý nghĩa về mặt văn hóa, gồm cả văn hóa chính trị, của dân tộc ta: hướng đến xã hội, đất nước, mặc dù không xem nhẹ gia đình, bản thân (thứ bảy mới [chủ nhật cũ] vẫn là weekend). Cho dù thuộc khuynh hướng chính trị và chịu ảnh hưởng văn hóa nào, thì ý thức xem trọng nhân quần, xã hội, Tổ quốc, đặt giá trị Tổ quốc, xã hội, nhân quần trên giá trị gia đình, bản thân vẫn là đạo lí truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, cần gìn giữ, phát huy.
Việc duy trì hai chữ “Chúa nhật” , hay “chủ nhật” , việc xem Chúa nhật là ngày chính, ngày đầu tuần, thực chất là phản văn hóa, gồm cả phản văn hóa chính trị, xét trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống nói chung của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Ý niệm thời gian, những dấu mốc lịch sử, những ngày riêng tư đáng nhớ, và chiếc đồng hồ, cuốn lịch gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ…
Tôi nghe thấy từ trong sâu thẳm lịch sử một tiếng gọi quyết tâm, dứt khoát: Đổi mới về dương lịch, tuy nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa lớn lao và nghiêm khẩn.
Tuy chấp nhận hai thứ lịch song song với sự cải cách dương lịch tại Việt Nam như thế, âm lịch (lịch mặt trăng) Việt mới thật là văn hóa thuần Việt, khởi sinh từ địa lí Việt với khí hậu, thời tiết đặc thù rất Việt; cho dẫu có những yếu tố nào đó bị ảnh hưởng Hán – Hoa, cũng đã thuần Việt hóa (7). Tết Nguyên đán mới thật là Tết Việt Nam, đúng vào dịp mùa hoa Việt Nam khai nở, lộc biếc Việt Nam đâm chồi và đất trời Việt Nam hừng nắng mới…
Tôi chợt nhớ tập truyện “Cuống rún chưa lìa” của nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc. Trong đó, thậm chí bi thảm như một cô me Tây, đến ngày Tết cũng trở về cố hương, thắp hương khấn niệm vào đêm ba mươi Tết, lặng lẽ một mình trong một nhà trọ vắng khách. Tết Nguyên đán Việt Nam, đối với những người đáng thương “dưới đáy xã hội” Việt Nam còn thế, nữa là kẻ sĩ, một phần quan trọng của tinh túy Việt Nam nơi đất khách quê người!
Tôi nghĩ rằng, các giám mục, linh mục Việt Nam, vì lòng thương yêu, kính trọng dân tộc mình, sẽ không phẫn nộ về bài viết này.

TP.HCM., ngày đầu năm, năm thứ sáu công nguyên Hòa Bình
(01-01 HB6)
[Ngày 02 tháng chạp, Ất dậu HB6]


TRẦN XUÂN AN
( Tran Xuan An )

_________________________

Chú thích & tham khảo:

(1) Nhật thực, nếu quan sát kĩ, người ta thấy cũng có tròn – khuyết, nhưng nhật thực là hiện tượng ít xảy ra và không theo chu kì.

(2) Thiên Chúa giáo vốn xem ngày Jésus ra đời (giáng sinh) là ngày khởi đầu của “công nguyên Jésus Christ” trên toàn thế giới.

(3) Đào Duy Anh, Hán - Việt từ điển, (in theo phim sao chụp bản in lần thứ ba, Nxb. Trường Thi, 1957), 2 tập in chung, Nxb. KHXH., 2000; (tập 1), tr. 177 & tr. 179. “Theo giáo Cơ đốc, tức là ngày của chúa” . Nhưng ở nghĩa 1: ngày tinh kì. Một tuần gồm 7 ngày gọi là một tinh kì. Tinh kì nhật là “ngày cuối cùng trong mỗi tinh kì” (sđd., tập 2, tr. 285) . Nếu như vậy, cách vận dụng như trên là không ổn (giải thích như thế nào về những ngày kế tiếp: thứ hai, thứ ba…).

(4) Vụ Bảo tồn bảo tàng, Niên biểu Việt Nam, (lời giới thiệu của Trần Văn Giáp), bản in lần thứ tư, Nxb. VHDT., Hà Nội, 1999, tr. 9.

(5) Lê Bá Kế và một nhóm giáo viên, Từ điển Anh – Việt, Nxb. TP. HCM., 1991, tr. 643. Với cuốn từ điển phổ thông này, tôi thấy có khoảng 21 từ ghép với từ tố “sun” (mặt trời). Hầu hết đều có nghĩa từ nghĩa căn bản (mặt trời): tắm nắng, rám nắng, khô cứng dưới ánh nắng, đồng hồ mặt trời, hoa mặt trời (hướng dương), chuyện vặt ngày cuối tuần…
Nhìn chung là không có nghĩa nào gắn liền với Thiên Chúa giáo.

(6) Đào Duy Anh, Pháp – Việt từ điển, bản in lần thứ tư, Nxb. Trường Thi, 1957, tr 450. Một lần nữa, ĐDA. xác định bằng 2 chữ “Chúa nhật” .

(7) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. TP. HCM. 1992, tr. 43 – 46.

Xem thêm: Trần Xuân An, “Sen đỏ, bài thơ hòa bình” , Nxb. Thanh Niên, 2003, tr. 242 – 243; và tại website theo LINK sau đây (xem phần đầu tiết 34):
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/

______________________

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm
số tháng 12-2005 ( posted: 01.01.2006 ).


http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_txa-duonglich.htm
[
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1205_index.htm
]

_________________

Thứ hai (thứ ba cũ), ngày 17-01 HB6 (2006)

Tránh sự vi phạm thể lệ gửi bài đăng trên báo chí, tôi chỉ đăng lại bài viết này của mình trên website cá nhân, sau 15 ngày, kể từ ngày bài đã được đăng trên Tạp chí điện tử Giao Điểm.
TXA.

1 nhận xét:

BlockchainHelp nói...

What if I forget my Blockchain ID password?
A password is the important element of Blockchain wallet and forgetting the password is a normal thing. There are recovery steps through which you can recover your password or for best results and save your time, you can directly talk to the professionals who can guide you accurately in minimal time with the high-end protection. You can dial Blockchain customer support number 1800-665-6722 and get in touch with the professionals immediately to attain the finest and accessible solutions.
blockchain support companies